Thuốc kháng Acid
Khi bị VLDD, chúng ta thường nghĩ ngay đến thuốc kháng acid với những biệt dược quen thuộc như: Maalox (dạng viên nhai), normogastry (viên sủi bọt), phosphalugel (hỗn dịch)…
Thuốc kháng acid có hoạt chất là những chất bazo như hydroxyt nhôm Al(OH)3, Hydroxyt magie Mg(OH)2 hay ở dạng muối như cacbonat canxi CaCO3. Khi vào trong cơ thể, các thuốc kháng acid có nhiệm vụ trung hòa lượng acid clohydric (HCL) tăng tiết quá mức ở người VLDD.
Acid HCL có trong dung dịch vị với vai trò tiêu hóa thức ăn. Khi vì một lý do nào đó (stress, ăn uống không điều độ, dùng thuốc gây kích ứng bao tử…) lượng HCL bị tăng tiết quá mức, sẽ ăn mòn lớp niêm mạc dạ dày dần dần gây viêm loét dạ dày.
Thuốc kháng acid thuộc nhóm thuốc không kê đơn và rất dễ mua ở nhà thuốc. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc này trong một thời gian dài, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau đây:
Nguy cơ gây loãng xương: các ion kim loại trong các thuốc kháng acid như ion nhôm với nồng độ cao sẽ gắn kết với ion phosphate trong huyết tương. Chúng ta biết rằng phosphor và canxi là thành phần chính cấu tạo nên xương lượng phosphor trong phosphate mất dần đi khi gắn kết với ion nhôm, về lâu dài sẽ là nguyên nhân chính gây nên tình trạng loãng xương.
Nguy cơ trên tim mạch: khi sử dụng lâu ngày thuốc kháng acid có nồng độ natri carbonat cao, ion natri sẽ làm tăng huyết áp, suy tim, suy thận. Vì vậy khi sử dụng thuốc này phải rất thận trọng đối với những người có tiền sử cao huyết áp, bệnh thận, tim mạch…
Cần lưu ý với thói quen sử dụng thuốc kháng acid để phòng ngừa tác hại trên dạ dày đối với những người dùng thuốc kháng viêm non-steroid trong điều trị thấp khớp. Sự phòng ngừa này vừa không có hiệu quả vừa gây ra lãng phí và về lâu dài sẽ gây ra tác hại.
Để giảm tác hại trên dạ dày, chúng ta có thể lựa chọn nhóm thuốc kháng viêm ức chế chọn lọc trên Cox-2 như: meloxicam, celecoxib để thay thế. Với những người có tiền sử viêm loét dạ dày, tốt nhất là sử dụng thuốc giảm đau paracetamol.
Thuốc ức chế bơm proton
Nhóm thuốc ức chế bơm proton như: omeprazol, lansoprazol, pantoprazol, esomeprazol… có hiệu quả cao trong điều trị VLDD. Nhóm thuốc này ngăn chặn sự tiết acid dịch vị bằng cách ức chế chuyên biệt hệ thống enzyme H+ /K+ATPase (bơm proton). Hệ thống enzyme này có vai trò bơm acid (bơm proton) ở tế bào viền của dạ dày nên khi bị ức chế sẽ ngăn cản giai đoạn cuối của quá trình sản sinh acid dịch vị.
Những thông tin y học gần đây cho biết việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton với liều cao hay trong một thời gian dài sẽ gây ra những tác hại như:
Nguy cơ gây gãy xương: thuốc ức chế bơm proton làm gia tăng nguy cơ gây gãy xương ở những bệnh nhân dùng thuốc trong một thời gian dài hay với liều dùng cao. Đặc biệt đối với bệnh nhân là người cao tuổi hay phụ nữ sau mãn kinh nguy cơ gãy xương tăng lên rất nhiều.
Nguy cơ gây thiếu magie trong cơ thể: việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt magie trong cơ thể, gây ra những bệnh tật như chuột rút (cramp), động kinh (epilepsy), co cứng cơ (tetani).
Vì vậy, việc sử dụng các nhóm thuốc này trong điều trị VLDD cần phải rất thận trọng: đúng liều lượng và đúng theo phác đồ điều trị mà thầy thuốc chỉ định (như với thuốc ức chế bơm proton mỗi đợt điều trị là 14 ngày và một năm không quá 3 đợt điều trị).
Bên cạnh việc dùng thuốc, để điều trị VLDD cần có lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, biết thư giãn, chống stress…
DS. Mai Xuân Dũng
Theo suckhoedoisong.vn